Thị trường LDPE màng tại châu Âu đã tăng giá không ngừng nghỉ trong bảy tháng qua do tình hình nguồn cung khan hiếm. Ngược lại, giá LDPE màng tại châu Á đang trên đà sụt giảm do nhu cầu kể từ giữa tháng 3, khi thị trường bắt đầu sụt giảm từ mức cao nhất trong bảy năm qua.
LDPE giảm mạnh hơn HD, LLDPE tại Trung Quốc
Tại Trung Quốc, giá LDPE màng đã trên đà sụt giảm tương đối mạnh hơn so với HDPE và LLDPE màng trong xu hướng giảm giá kéo dài gần ba tháng qua.
Trong biểu đồ trích xuất từ Công cụ Giá ChemOrbis dưới đây, mức giá trung bình hàng tuần của LDPE màng xuất xứ Trung Đông theo phương thức CIF Trung Quốc đã giảm 24% trong giai đoạn này, trong khi giá HDPE và LLDPE màng lần lượt giảm 12% và 14%.
Sau khi giá LDPE màng dưới ngưỡng 1300 USD/tấn CIF xuất hiện hồi tuần trước, giá cả đã tiếp tục giảm và xuống gần ngưỡng 1200 USD/tấn CIF trong thời gian gần đây.
Giá LDPE màng xuất xứ Trung Đông tại Trung Quốc hiện được niêm yết ở mức 1210-1240 USD/tấn CIF Trung Quốc, tiền mặt, giảm 60 USD/tấn so với tuần trước.
Thị trường LDPE Đông Nam Á tương tự như Trung Quốc
Một kịch bản tương tự cũng đã xảy ra trên thị trường LDPE Đông Nam Á. Tương tự như tại Trung Quốc, giá PE đã bắt đầu xu hướng giảm giá kể từ giữa tháng 3, trong đó LDPE màng phải đối mặt với áp lực lớn nhất.
Báo giá LDPE màng tháng 6 của một nhà sản xuất Trung Đông đã giảm 150 USD/tấn so với mức giá đầu tháng 5, xuống còn 1420 USD/tấn theo phương thức CIF Đông Nam Á, tiền mặt. Nguồn tin từ nhà sản xuất này cho biết: “Nhu cầu ở các nước Đông Nam Á hiện nay khá yếu do một số quốc gia đang trong tình trạng phong tỏa vì Covid-19. Do đó, PE đang chịu áp lực giảm giá, đặc biệt là LDPE màng.”
Chênh lệch giữa châu Âu – Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục
Sau khi đảo ngược xu hướng vào tháng 11 năm 2020 do tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn, giá LDPE đã tăng đều đặn ở châu Âu. Đà tăng giá đã được thúc đẩy vào tháng 12 năm 2020 khi nguồn cung cạn kiệt trên phạm vi lớn do các hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ đến các khu vực có lợi nhuận cao hơn. Tương tự như vậy, hàng nhập khẩu đã được hạn chế chuyển đến châu Âu do lợi nhuận thấp vào thời điểm đó.
Nguồn cung cho loại nguyên liệu này cũng khó dự đoán hơn trên khắp khu vực do các nhà sản xuất tại đây đã giảm nguồn cung vì các trường hợp bất khả kháng và nhu cầu mạnh mẽ đối với một số loại vật dụng nhất định.
Mức tăng giá LDPE hàng tháng đã lên đến 3 con số kể từ cuối năm ngoái và đạt mức cao kỷ lục vào tháng 3 năm 2021. Các đợt tăng giá mạnh khiến thị trường châu Âu trở thành một địa hạt màu mỡ để chuyển hướng hàng hóa nhập khẩu, trong khi đó các vấn đề về logistic do thiếu container đã cản trở các nhà xuất khẩu trong việc tận dụng mức chênh lệch giá.
Giá LDPE đã lấy lại vị thế cao hơn so với các thị trường toàn cầu khác vào đầu năm 2021. Mặc dù các thị trường châu Âu nên có mức giá cao hơn các thị trường khác trong điều kiện cân bằng, song giá LDPE chỉ ngang bằng hoặc thấp hơn các thị trường nhập khẩu Trung Quốc, Đông Nam Á, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập trong quý IV năm 2020.
Theo dữ liệu trung bình hàng tuần từ Chỉ số Giá ChemOrbis, chênh lệch giữa Trung Quốc và châu Âu đã đạt mức cao kỷ lục là 1460 USD/tấn, đánh dấu mức chênh lệch lớn nhất giữa hai khu vực kể từ khi ChemOrbis bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2008. Mức chênh lệch giữa hai khu vực đã mở rộng quy mô khi các thị trường này đi theo xu hướng trái ngược nhau trong những tháng qua.
Liệu giá LDPE theo phương thức FD Tây Bắc Âu có tiếp nhận một đợt tăng giá nữa vào tháng 6 hay không là điều chưa chắc chắn vì một số báo giá ban đầu đã tăng. Vì LDPE có nguồn cung eo hẹp nhất do một loạt các trường hợp bất khả kháng và việc thiếu hụt hàng nhập khẩu, loại nguyên liệu này có thể vẫn duy trì vị thế cao hơn các thị trường khác trong thời gian tới.